Sun Craft ra đời không đề cao vai trò lợi nhuận kinh tế mà với một khát vọng giải quyết công ăn việc làm cho người lao động nghèo ở làng nghề truyền thống xưa, tận dụng tái chế để làm ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt.
TS. Hoàng Hải Yến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần doanh nghiệp xã hội Sun Craft đã chia sẻ về những việc mà bà cùng các cộng sự đã, đang và dự định mà Sun Craft đang hướng đến là giải quyết công ăn việc làm người dân làng nghề ở vùng cao khó khăn và trách nhiệm với bảo vệ môi trường tại các làng nghề truyền thống ở một số tỉnh thành khu vực phía Bắc. Bà đã chia sẻ với phóng viên Tạp chí Tài nguyên và Môi trường như sau:
PV: Thưa bà, động lực nào thôi thúc bà chuyển hướng từ một chuyên gia nghiên cứu về kinh tế sang làm doanh nghiệp xã hội?
TS. Hoàng Hải Yến: Đảng và Nhà nước luôn coi công tác giảm nghèo là một chủ trương lớn, thường xuyên, lâu dài, liên tục và xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước. Theo đó, Sun Craft mong muốn được tỏa đi nhiều nơi để đến được với nhiều làng nghề truyền thống để giúp người dân “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no", thực hiện thành công mục tiêu phấn đấu "Vì một Việt Nam không còn đói nghèo" vào năm 2030.
Trước đây tôi từng tham gia hoạt động ở nhiều lĩnh vực, làm dự án cộng đồng, được đi nhiều nơi, đến với các tỉnh thành, nhận thấy người dân ở các vùng nông thôn khu vực phía Bắc còn khó khăn, ở đó lại có một số làng nghề truyền thống đang bị mai một. Vì vậy, làm với cộng đồng, quan tâm đến môi trường và sinh kế là sở thích và ước muốn của tôi trong thời gian tới. Đó là một trong lý do tôi cùng các cộng sự thành lập ra Sun Craft hiện nay.
PV: Vậy mục tiêu hướng đến của doanh nghiệp xã hội Sun Carft là gì thưa bà?
TS. Hoàng Hải Yến: Chúng tôi không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thay vào đó ưu tiên tạo việc làm bền vững, ổn định sinh kế cho người lao động tại các làng nghề truyền thống, các nhóm dân tộc thiểu số, những đối tượng yếu thế (người khuyết tật, phụ nữ,..) ở Việt Nam.
Bảo tồn và gìn giữ nền văn hóa truyền thống lâu đời thông quá việc phát triển và tiêu thụ sản phẩm trong nước và đưa sản phẩm đến nhiều nước trên thế giới.
Bảo vệ, cải thiện môi trường sống và làm việc cho những làng nghề thủ công truyền thống Việt Nam thông qua việc khuyến khích, hỗ trợ - ứng dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường.
Sun Craft là nơi hội tụ tinh hoa từ các làng nghề nổi tiếng như: Gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, lụa Vạn Phúc, khảm trai Chuyên Mỹ, mộc La Xuyên, tre đan Bằng Sở, đúc đồng Đại Bái, đá mỹ nghệ Ninh Vân, chạm bạc Đồng Xâm,… Ngoài việc phục vụ thị trường nội địa rộng lớn Sun Carft còn phục vụ du khách quốc tế đến Việt Nam.
Những sản phẩm của Sun Craft được các nghệ nhân làm hoàn toàn làm bằng tay, sử dụng và tái sinh lại từ các vật liệu truyền thống từ mây, tre, cói.., được làm tỉ mỉ từng chi tiết, hạn chế tối đa những vật liệu thừa thải bỏ ra môi trường.
Để tiếp cận với các sản phẩm này cũng như tìm đầu ra, chúng tôi thành lập ra các bộ phận phát triển theo mô hình dự án. Sun Craft đã liên hệ và kết nối với các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam và các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội khác nhằm hỗ trợ các làng nghề về tài chính, đào tạo, tập huấn cũng như trang bị các máy móc, khoa học công nghệ để từ đó các cộng đồng nghề này phát triển mạnh hơn. Đối với việc tìm kiếm đầu ra cho các sản phẩm, chúng tôi đang giới thiệu các sản phẩm này trên nền tảng công nghệ, sàn thương mại điện tử như trên Amazon, Esty,…giới thiệu qua các kênh khác như làm quà tặng cho các đại sứ quán các nước để từ đó những sản phẩm này được lan tỏa đi khắp thế giới, hiện sản phẩm của chúng tôi đã đến được với một số nước như Mỹ, Nhật, Hàn, Úc...
PV: Những dự định của Sun Craft trong thời gian tới, thưa bà?
TS. Hoàng Hải Yến: Kế hoạch của Sun Craft trong thời gian tới sẽ xúc tiến đưa các sản phẩm này đến với thị trường khách du lịch quốc tế thông qua liên kết với Tổng cục Du Lịch để từ đó du khách không những biết đến các sản phẩm mà họ còn có thể tìm hiểu kỹ hơn về phương thức sản xuất cũng như nét văn hóa đặc trưng của các đồng bào dân tộc Việt. Tới đây, trong khuôn khổ hợp tác du lịch với Chính phủ Hàn Quốc chúng tôi sẽ tiếp tục đưa một số làng nghề, sản phẩm vào quảng bá, giới thiệu với các đối tác.